Công ty cổ phần dịch vụ đường cao tốc việt nam

Tiêu điểm

Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây phát huy hiệu quả

Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây phát huy hiệu quả

(28/10/2014)

Theo đánh giá của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau, việc đưa vào khai thác tạm tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã mang lại những tín hiệu tích cực về mặt kinh tế - xã hội cho các địa phương có tuyến đường đi qua, đồng thời khẳng định thêm về một hướng phát triển hệ thống đường cao tốc.

Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đang tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ. Ảnh: GIẢN THANH SƠN

TIẾT KIỆM 30% CHI PHÍ

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE), sau gần 10 tháng đưa vào khai thác (từ khi đưa vào khai thác đến ngày 1-9-2014 chỉ khai thác với ba loại xe; từ 2-9-2014 cho phép khai thác năm loại xe) 19,9 km trong số 55 km toàn tuyến của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đã có hơn 3,5 triệu lượt xe lưu thông, trung bình có gần 12.400 lượt xe/ngày đêm. Tổng doanh thu thông qua thu phí đạt hơn 172 tỷ đồng.

Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, với một tuyến đường mới đưa vào khai thác tạm chưa đầy một năm nhưng lượng xe lưu thông đã đạt được con số đó là một tín hiệu rất đáng mừng. Điều này không những phản ánh sự cấp thiết của việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông mà còn là nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa, nhu cầu rút ngắn thời gian đi lại của người dân giữa các tỉnh.Trong tương lai không xa, khi toàn tuyến cao tốc hoàn thành thì mức độ tác động về kinh tế - xã hội sẽ còn lớn hơn, đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho các địa phương nơi có tuyến đường đi qua.

Thời gian qua, giới lái xe cho rằng mức phí qua trạm trên tuyến cao tốc này là khá cao. Để kiểm chứng điều này, chúng tôi đã liên hệ với một số doanh nghiệp vận tải lưu thông tuyến Xa lộ Hà Nội - quốc lộ 51 trước đây và nay chuyển sang lưu thông tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Xét tổng chi phí cho một chặng đi và về trên các tiêu chí: Chi phí nhiên liệu, cước phí đường bộ và hao mòn, sửa xe, bảo hiểm và chi phí khác, thì lưu thông trên lộ trình Xa lộ Hà Nội - quốc lộ 51, doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 1,7 triệu đồng, trong khi lưu thông trên tuyến cao tốc là 1,1 triệu đồng, tương đương doanh nghiệp đã tiết kiệm được 30% chi phí cho hoạt động kinh doanh. Đối với các đơn vị có tần suất chạy xe cao thì vận tải qua tuyến cao tốc còn phát huy hiệu quả lớn hơn nhiều.

Mới đây, để đánh giá hiệu quả về kinh tế, VECE đã tổ chức khảo sát đối với các phương tiện lưu thông trên tuyến. Trong đó, về thời gian: phần lớn các lái xe đánh giá tiết kiệm được từ 60 đến 80 phút so với khi lưu thông trên tuyến đường cũ (Xa lộ Hà Nội - quốc lộ 51). Mức độ tiết kiệm nhiên liệu từ 40% đến 50% so với lộ trình cũ. 90% chủ phương tiện được hỏi cho ý kiến đạt hiệu quả cao hơn khi lưu thông trên đường cao tốc. 90% chủ phương tiện được hỏi đánh giá mức cước phí ở mức chấp nhận được. Về thái độ phục vụ của nhân viên, hầu hết các chủ phương tiện đều hài lòng.

ĐỂ PHÁT TRIỂN NHANH HỆ THỐNG ĐƯỜNG CAO TỐC

Tại buổi làm việc với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, VEC cần tính toán bán một số tuyến cao tốc đang quản lý để có vốn quay vòng đầu tư làm đường khác.Hiện, mức nợ công dù vẫn nằm ở ngưỡng an toàn nhưng nếu các đơn vị vẫn trông chờ vào nguồn vốn ngân sách để thực hiện xây dựng hạ tầng cơ bản thì sẽ hoặc là rất chậm, hoặc là rơi vào tình trạng thiếu vốn, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng các công trình, dự án đã đề ra.

Theo lãnh đạo VEC, nếu cách triển khai hiệu quả, khoa học thì mục tiêu đầu tư xây dựng 2.000 km đường cao tốc là hoàn toàn đạt được. Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam Mai Tuấn Anh cho biết, theo gợi ý của Bộ GTVT, VEC đang triển khai chuẩn bị thủ tục, tính toán các phương án chào bán để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, quan trọng nhất là xác định giá bán của từng tuyến đường . Theo VEC, trong số năm dự án cao tốc (Nội Bài - Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Bến Lức - Long Thành; TP Hồ Chí Minh - Long Thành; Đà Nẵng -Quảng Ngãi), thì hai dự án có thể thu hút đầu tư mạnh nhất là Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP Hồ Chí Minh - Long Thành vì có lưu lượng phương tiện khá lớn.

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng: Trong bối cảnh cần nguồn vốn lớn để đầu tư các công trình hạ tầng giao thông mang tầm vĩ mô trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, thì phương thức chuyển nhượng, bán đường cao tốc cho các đối tác nước ngoài như kế hoạch của Bộ GTVT được xem là một trong những giải pháp khá lạc quan. Giải pháp này mang lại những lợi ích như: Chủ đầu tư sẽ có vốn để quay vòng nhằm thực hiện các dự án khác thay vì phải chờ vốn ngân sách hoặc nguồn vốn từ việc thu phí với thời gian hàng chục năm. Có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần giảm áp lực cho các nhà đầu tư trong nước. Khi đó, các đơn vị trong nước cũng có cơ hội được tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật hiện đại của các nhà đầu tư ngoại. Quan trọng hơn, khi công tác đầu tư hạ tầng được thực hiện hài hòa giữa nhà đầu tư trong nước và ngoài nước thì người dân chính là đối tượng được hưởng lợi từ những dự án mang lại trong rất nhiều lĩnh vực.

Để thực hiện được điều này, cần có những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, thông thoáng về mặt cơ chế, chính sách. Đối với những hiệu ứng từ việc hoàn thiện hạ tầng, mạng lưới đường cao tốc, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn cho rằng: Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây nói riêng, mạng lưới cao tốc nói chung sẽ mở ra bước đột phá mới trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó, kinh tế, vận tải và du lịch sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Đây cũng sẽ là cầu nối nhanh hơn đối với sự kết nối, giao thương kinh tế giữa các tỉnh cũng như giữa các vùng trên cả nước.

Các bài viết khác

video

:: Các CTY thành viên VEC