Công ty cổ phần dịch vụ đường cao tốc việt nam

Tiêu điểm

Cấp bách triển khai cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Cấp bách triển khai cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

(14/11/2017)

 

 

Khả thi về tài chính

Đây là khẳng định Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên quan tới cơ chế tài chính Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng) tại Văn bản số 12448/BGTVT–KHĐT do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công ký được gửi tới Bộ Tài chính vào đầu tuần này.

Cụ thể, theo kết quả thẩm định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), phương án tài chính của Dự án có một số năm mất cân đối nguồn (dòng tiền âm vào các năm 2027 là -16,4 tỷ đồng, năm 2030 là -21,2 tỷ đồng, năm 2034 là -705,9 tỷ đồng). Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, VDB mới chỉ xem xét dòng tiền của từng năm riêng biệt, chưa xét đến lãi tiền gửi của dòng tiền lũy kế dương tại mỗi năm là nguồn vốn hợp pháp khác để bù đắp thiếu hụt của chính Dự án nên chưa phản ánh được năng lực tài chính và khả năng trả nợ của Dự án.

“Theo đó, nếu xét đến yếu tố này thì phương án tài chính của dự án có hiệu quả và dòng tiền tại mỗi năm luôn dương sẽ đảm bảo khả năng trả nợ của Dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, vào tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng mức đầu tư 387,9 triệu USD từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng. Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính trong nước đối với nguồn vốn vay ADB, thẩm định năng lực tài chính và khả năng trả nợ của chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Trên cơ sở quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư dự án với phương án sử dụng nguồn vốn vay ADB và vốn đối ứng của nhà đầu tư.

“Đây là phương án đầu tư có tính khả thi cao nhất về tài chính với sự hỗ trợ về nguồn vốn lãi suất thấp của ADB”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Phân tích của Bộ GTVT cho thấy, phương án đầu tư bổ sung đoạn tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vào dự án cao tốc Bắc Giang – TP. Lạng Sơn theo hình thức BOT có tính khả thi không cao. Do hiện nay thời gian thu phí theo Hợp đồng đối với tuyến cao tốc Bắc Giang – TP. Lạng Sơn đang dự kiến là 18 năm 3 tháng với mức giá dịch vụ đang ở mức khá cao trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo giám giá dịch vụ các dự án BOT nên việc bổ sung đoạn tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng mức đầu tư 8.743 tỷ đồng vào dự án này sẽ phá vỡ phương án tài chính dự án cao tốc Bắc Giang – TP. Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, nếu tách riêng đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng để đầu tư theo hình thức PPP như một dự án độc lập sẽ mất thời gian khoảng 1,5 năm để đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời Nhà nước phải bố trí ngân sách hỗ trợ để đảm bảo tính khả thi của Dự án. Như vậy, việc triển khai theo phương án này sẽ làm chậm tiến độ đầu tư Dự án, đồng thời trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế, việc bố trí nguồn vốn hỗ trợ Dự án cũng không khả thi.

Sớm ký hiệp định vay

Đối với các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cho vay lại của VEC, theo đánh giá của Bộ GTVT, các vướng mắc này liên quan đến việc chuyển đổi từ nguồn vốn vay lại sang vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án và các khoản tạm ứng từ ngân sách Nhà nước cho phần vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh. Để xử lý các vướng mắc này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ GTVT và Bộ Tài chính cũng đã phối hợp cung cấp số liệu.

Ngày 25/10/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 8739/BKHĐT-KCHTĐT gửi Văn phòng Chính phủ dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trương và bố trí vốn cho các dự án do VEC làm Chủ đầu tư theo Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (sao gửi kèm theo).

Mặt khác, tại Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 28/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương vay vốn ngân hàng ADB và chỉ yêu cầu xem xét về phương án tài chính và năng lực của VEC.

Nếu chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận xử lý các vướng mắc về cơ chế chuyển đổi trên sẽ mất nhiều thời gian, vì vậy Bộ GTVT đề nghị không đưa vào đây là điều kiện để xem xét, quyết định chủ trương vay vốn.

Ngoài ra, tại Tờ trình số 487/TTr-CP ngày 21/10/2017 của Chính phủ trình Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Chính phủ cũng xác định đoạn Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị Quan sử dụng nguồn vốn ODA để đầu tư.  

Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là đoạn tuyến quan trọng của trục đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc, góp phần phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch, phát triển công nghiệp khu vực miền núi phía Bắc; giảm áp lực giao thông trên QL1.

“Chính vì vậy, việc chưa thể ký Hiệp định vay sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành của Dự án, tăng chi phí đầu tư. Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, thống nhất và triển khai các thủ tục ký hiệp định vay với ADB để triển khai thực hiện đầu tư Dự án”, Bộ GTVT kiến nghị.

Các bài viết khác

video

:: Các CTY thành viên VEC