Công ty cổ phần dịch vụ đường cao tốc việt nam

Tiêu điểm

Hiệu quả lan tỏa cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Hiệu quả lan tỏa cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam

(12/06/2015)

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (HLD) đã, đang và sẽ mang lại những tín hiệu tích cực về mặt kinh tế - xã hội không những cho các địa phương có tuyến đường đi qua mà hiệu quả kinh tế của nó còn lan tỏa cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đồng thời khẳng định thêm một hướng phát triển hệ thống đường cao tốc.

Cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

 

Công trình quy mô lớn

Ðường cao tốc HLD có chiều dài 51 km, từ nút giao vành đai 2 tới Dầu Giây, nếu tính cả 4 km từ nút giao An Phú đến nút giao vành đai 2 (TP Hồ Chí Minh), tổng chiều dài 55 km. Với bốn nút giao - cầu cạn, 12 cầu vừa và nhỏ, một cầu lớn (cầu Long Thành trên sông Ðồng Nai), lắp đặt hệ thống giao thông thông minh ITS,... đây là công trình cao tốc có quy mô lớn. Việc đưa vào khai thác tuyến đường này đã giảm cự ly và thời gian di chuyển từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền đông, miền trung và Tây Nguyên. Ðơn cử, theo lộ trình TP Hồ Chí Minh - Long Thành, di chuyển theo đường cũ mất 40 km, thời gian đi 40 phút; trong khi chạy tuyến cao tốc HLD, quãng đường chỉ còn 24 km, thời gian đi 20 phút. Tương tự, từ TP Hồ Chí Minh đi Dầu Giây, di chuyển theo đường cũ là 70 km, thời gian ba giờ; chạy tuyến cao tốc chỉ còn 55 km và đi trong vòng một giờ.

Thuận lợi trong đi lại đã giúp các doanh nghiệp (DN) vận tải tăng cường khả năng quay vòng đầu xe, khả năng lưu thông hàng hóa và vận chuyển hành khách giữa các tỉnh trong khu vực, nhất là hàng hóa từ cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đến khu công nghiệp ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Ðồng Nai), cũng như vận chuyển hành khách từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh đến các địa điểm du lịch như Vũng Tàu, Phan Thiết, Ðà Lạt. Từ đó, các DN vận tải, DN sản xuất tiết giảm được chi phí vận chuyển hàng hóa và hành khách khi đi trên đường cao tốc HLD từ TP Hồ Chí Minh đến Long Thành, Vũng Tàu và Dầu Giây so với khi di chuyển trên lộ trình xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1. Theo tính toán, khi đi từ An Phú (quận 2, TP Hồ Chí Minh) đến ngã ba Dầu Giây, DN có thể giảm 30% chi phí nhiên liệu; đi từ An Phú đến ngã ba Long Thành giảm 20% chi phí nhiên liệu. Còn tính giá trị vận chuyển tiết kiệm được khi lưu thông trên đường cao tốc, từ An Phú đến Long Thành, mỗi lượt DN tiết kiệm được khoảng 385 nghìn đồng. Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh đánh giá: Theo tính toán, từ đầu tháng 1-2014 đến hết tháng 5-2015, có hơn 7,6 triệu lượt xe lưu thông, giá trị tiết kiệm hơn 2.930 tỷ đồng. Lưu thông từ An Phú đến ngã ba Dầu Giây, giá trị tiết kiệm mỗi lượt 343.852 đồng, thống kê lợi ích mang lại từ ngày 8-2 đến hết tháng 5 đạt hơn 221 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu giảm khoảng cách giữa các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh miền đông, miền trung, cung cấp tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn cho giao thông, lưu thông với tốc độ nhanh hơn và an toàn hơn; giải quyết nhu cầu cấp bách về giao thông trên quốc lộ 1, đoạn Ðồng Nai - TP Hồ Chí Minh đã được tuyến cao tốc HLD giải quyết một cách hiệu quả.

Tuyến HLD được đưa vào sử dụng cũng đã góp phần giảm tai nạn giao thông và tắc đường nghiêm trọng thường xuyên xảy ra tại cửa ngõ phía đông bắc đoạn TP Hồ Chí Minh - Biên Hòa trước đây. Ngoài ra, dự án còn thúc đẩy sự phát triển của các đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh như Long Thành, Nhơn Trạch, Gò Dầu, Phú Mỹ, giảm bớt áp lực giao thông liên thành phố đối với trung tâm TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, tuyến đường còn thúc đẩy công tác xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành hàng không và hội nhập quốc tế. Sau khi xây dựng hoàn chỉnh, đường cao tốc HLD sẽ cùng tồn tại với các trục giao thông chính gồm các quốc lộ 1, 51, 52, 13, 14, 20, hệ thống giao thông đường sông, đường biển, đường hàng không và các tuyến cao tốc Dầu Giây - Ðà Lạt, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong giai đoạn 2016-2020, khi hệ thống đường vành đai TP Hồ Chí Minh, đường đô thị, cao tốc (Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận), dự án mở rộng quốc lộ 51 hoàn thành, lượng xe lưu thông trên tuyến trục chính TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ tăng mạnh, số tiền tiết kiệm, làm lợi cho DN và xã hội sẽ cao hơn rất nhiều.

Những lợi ích vô hình

Bên cạnh những hiệu quả tính toán được, còn có những hiệu quả to lớn khó đo lường được do dự án đường cao tốc mang lại như giải tỏa áp lực giao thông cho các tuyến xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1 và 51, đồng thời giảm tai nạn giao thông trong khu vực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và du lịch trong vùng. Do rút cự ly và thời gian di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh đến các địa điểm du lịch (Vũng Tàu, Ðà Lạt, Phan Thiết và đồng bằng sông Cửu Long) nên lưu lượng khách du lịch tăng đáng kể. Theo thống kê, trong quý I vừa qua, lượng du khách đến Bình Thuận đạt hơn 997,8 nghìn lượt khách, tăng 6,15%; doanh thu đạt 2.060 tỷ đồng, tăng 12,83% so cùng kỳ. Tương tự, trong bốn tháng đầu năm nay, khu du lịch Ðà Lạt (Lâm Ðồng) đón gần 1,7 triệu lượt khách (tăng 7% so cùng kỳ); Bà Rịa - Vũng Tàu đón 1,22 triệu lượt khách (tăng 21,79%). Giám đốc Công ty vận tải Hoa Mai Lê Văn Huệ cũng đánh giá rất cao lợi thế trong vận tải đối với đơn vị của mình. Hiện nay, với hơn 140 phương tiện vận tải đang hoạt động tuyến TP Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Huệ đã chuyển toàn bộ số phương tiện này sang lưu thông trên đường cao tốc khi nhìn thấy những ưu điểm về mặt thời gian, khấu hao phương tiện và nhất là uy tín đối với khách hàng. Ðầu tháng 11-2014, Công ty Hoa Mai đã thành lập đội xe gồm 20 chiếc hoạt động vận tải chất lượng cao, lưu thông thẳng mà không dừng đón trả khách tại các trạm.

TS Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đánh giá, tuyến cao tốc HLD sẽ mở ra bước đột phá mới trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó, kinh tế, vận tải và du lịch sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Từ mối quan hệ tương hỗ, giao thương qua lại ở những địa phương năng động khu vực Ðông Nam Bộ cũng như các địa phương khác, nền kinh tế, du lịch tại các địa phương sẽ năng động hơn, tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân địa phương khi các lĩnh vực, ngành nghề được kích thích phát triển. Ông Tuấn dự báo, với việc hỗ trợ về mặt thời gian khi tuyến cao tốc đi vào hoạt động, giao thương, thương mại giữa các địa phương sẽ trở nên sôi động hơn. Ðó là cơ sở để đánh giá về sự năng động của nền kinh tế vùng Ðông Nam Bộ cũng như các khu vực khác trên cơ sở cầu nối là hạ tầng giao thông được kết nối và hoàn thiện.

Bài và ảnh: QUANG LÊ

Các bài viết khác

video

:: Các CTY thành viên VEC