Công ty cổ phần dịch vụ đường cao tốc việt nam

Tiêu điểm

Rốt ráo đẩy tiến độ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Rốt ráo đẩy tiến độ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

(14/11/2017)

 

Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 140km đi qua 3 tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

 

VEC đang chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực thi công để hoàn thành đoạn tuyến WB của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trước tháng 6/2018

Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã lập và duyệt kế hoạch tiến độ chi tiết cho từng hạng mục, gói thầu của đoạn tuyến WB làm căn cứ điều hành. Nhà thầu nào không đáp ứng yêu cầu sẽ bị điều chuyển khối lượng cho nhà thầu khác có năng lực tốt hơn để đảm bảo tiến độ hoàn thành vào tháng 6/2018.

Được đầu tư với tổng mức hơn 34.000 tỷ đồng, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là dự án trọng điểm quốc gia và là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý khai thác. Dự án có chiều dài 140km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với 4 làn lưu thông và hai làn dừng khẩn cấp (giai đoạn 1), tốc độ thiết kế 120km/h được kỳ vọng khi hoàn thành toàn tuyến sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại, tạo động lực to lớn trong việc phát triển KT-XH cho các tỉnh, thành khu vực miền Trung, nhất là các địa phương có dự án đi qua: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Sau 4 năm triển khai xây dựng, 65km cao tốc đầu tiên của dự án đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (Km 0+000 - Km 65+000) sử dụng nguồn vốn vay của JICA (khoảng 798,56 triệu USD) đã chính thức được thông xe và đưa vào khai thác từ đầu tháng 8/2017. Đại diện VEC cho biết, dù mới đưa vào sử dụng, 65km cao tốc đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ đã phát huy hiệu quả rõ rệt, lưu lượng phương tiện tăng trưởng nhanh chóng. Cụ thể, chỉ trong vòng hai tháng từ ngày 02/8 - 02/10/2017, đoạn cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ đã phục vụ gần 86.000 lượt phương tiện, bình quân 1.400 - 1.600 lượt phương tiện/ngày đêm.

 

Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 140km đi qua 3 tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Khi hoàn thành toàn tuyến, dự án sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế và các tỉnh, thành phố miền Trung. Đồng thời, mở thêm nhiều cơ hội đầu tư vào khu vực vốn còn nhiều khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng, nâng cao đời sống của người dân địa phương và các vùng lân cận. Đặc biệt, tuyến cao tốc còn góp phần quan trọng vào việc đảm bảo giao thông thông suốt, cứu trợ khẩn cấp cho người dân khi QL1 bị chia cắt trong mùa mưa lũ.

Để đảm bảo hiệu quả của toàn Dự án, hiện nay, VEC đang chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu tập trung thi công các gói thầu thuộc đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn vay WB (590,39 triệu USD) đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi dài 74,204km (Km65+00 - Km 139+204) hoàn thành chậm nhất cuối tháng 6/2018 để kết nối đồng bộ với đoạn tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết, giá trị sản lượng thi công của đoạn tuyến sử dụng vốn vay của WB hiện đạt khoảng 62,65%, giá trị giải ngân đạt 58,13%. Dự kiến cuối năm 2017, hai gói thầu A4, A5 sẽ hoàn thành thi công trên tuyến chính, còn lại các gói thầu khác sẽ hoàn thành chậm nhất vào tháng 6/2018.

“Thời gian qua, Ban điều hành đã tăng cường các giải pháp để xốc lại toàn bộ công trường, tạo chuyển biến về tiến độ triển khai”, ông Thành nói và cho biết, hiện nay, thời tiết vẫn còn diễn biến bất thường. Chúng tôi cùng tư vấn giám sát đôn đốc các nhà thầu khắc phục những khó khăn, thi công không kể ngày đêm ngay khi điều kiện cho phép để bù lại những ngày mưa bão.

Theo ông Thành, khối lượng thi công còn lại của đoạn tuyến WB gồm: 143.991m3 đá đào, 757.792m3 đất đắp, 404.767m3 móng cấp phối đá dăm… Ban QLDA đã rà soát lại toàn bộ khối lượng, yêu cầu lập và duyệt tiến độ kế hoạch chi tiết làm căn cứ điều hành với mốc tiến độ hoàn thành cho từng hạng mục, gói thầu. “Những gói thầu chậm tiến độ, nhà thầu không đáp ứng kế hoạch, Ban sẽ tiến hành điều chỉnh khối lượng, tăng cường các nhà thầu phụ có năng lực, tiềm lực tài chính mạnh vào ứng cứu để đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án chậm nhất vào cuối tháng 6/2018”, ông Thành cho biết.

Đề cập đến công tác GPMB, báo cáo của Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho thấy, hiện nay còn vướng mắc thi công một số vị trí nhỏ lẻ, gồm: 77 vị trí thuộc tỉnh Quảng Nam (6 vị trí trên tuyến chính A1, A2; trên đường ngang, đường gom, gia cố và hàng rào 71 vị trí), 17 vị trí thuộc tỉnh Quảng Ngãi (8 vị trí trên tuyến chính đoạn qua huyện Bình Sơn - gói thầu A3; 9 vị trí đường gom, taluy và chân RAM QL40B). Nguyên nhân do một số hộ dân đòi hỏi chính sách đơn giá đền bù phần đất còn lại nằm ngoài cọc GPMB; cản trở thi công; cản trở do ảnh hưởng rung chấn.

“Về giải pháp đối với việc vướng mắc mặt bằng và cản trở thi công, Ban QLDA đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo ban và người phụ trách điều hành các gói thầu tiếp tục bám sát các địa phương để sớm giải quyết dứt điểm”, báo cáo của  Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho hay.

Theo www.baogiaothong.vn

Các bài viết khác

video

:: Các CTY thành viên VEC