Công ty cổ phần dịch vụ đường cao tốc việt nam

Tiêu điểm

Ùn tắc giao thông không xảy ra tại trạm thu phí trên cao tốc HLD

Ùn tắc giao thông không xảy ra tại trạm thu phí trên cao tốc HLD

(29/06/2017)

Không như thông tin đã đăng tải trên một số báo, mới đây Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai sau khi tổ chức kiểm tra tình hình trật tự an toàn giao thông phạm vi đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã khẳng định ùn tắc giao thông không xảy ra tại trạm thu phí của đường cao tốc.

Nguyên nhân và vị trí tắc nghẽn trên tuyến cao tốc này thời gian qua cũng đã được Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai “điểm mặt, chỉ tên”.

Các điểm nghẽn và thời điểm tắc

Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý, sau hơn 2 năm đưa vào khai thác đã phục vụ trên 35 triệu lượt phương tiện, với lưu lượng trung bình hiện đạt ngưỡng 37.000 – 40.000 lượt phương tiện/ngày đêm trên toàn tuyến; riêng đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Quốc lộ 51 (Km22+100), mật độ giao thông thông thường gấp 3-5 lần đoạn tuyến từ Quốc lộ 51 đi Dầu Giây, và có các điểm thường xuyên ghi nhận việc ùn tắc theo khung giờ.

Như tại nút giao An Phú (điểm đầu tuyến cao tốc) là nút giao đồng mức với đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của, Nguyễn Thị Định, là nút giao thông hỗn hợp (ô tô, xe máy,…) nên thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài vào các giờ cao điểm vì dòng xe đi từ 4 hướng đều gặp nhau ở nút giao này. Đây là một trong những điểm nóng về ùn tắc giao thông nghiêm trọng của TP. Hồ Chí Minh. Vào các buổi chiều hàng ngày từ 16h đến 17h (đặc biệt khi trời mưa to, vào chiều Chủ nhật hoặc khi có sự cố xảy ra), ùn ứ nghiêm trọng thường diễn ra phía đường cao tốc, một phần do đoạn tuyến từ nút giao An Phú đến nút giao Vành đai 2 cho phép xe máy tham gia vào làn dừng khẩn cấp. Hiện nút giao này thuộc quyền quản lý của TP. Hồ Chí Minh.

 

 

Một nguyên nhân gây ùn tắc cũng được chỉ ra là, tốc độ khai thác tối đa trên toàn tuyến cao tốc đạt 120km/h với 3 làn xe mỗi chiều (2 làn xe chạy và 1 làn dừng khẩn cấp), nhưng tốc độ thiết kế trên cầu Long Thành tối đa chỉ 100km/h (và không có làn dừng khẩn cấp). Vậy nên, tại những thời điểm lưu lượng phương tiện đông đúc, phương tiện sẽ bị dồn ứ trên cầu Long Thành. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi một số phương tiện liên tục chạy vào làn dừng khẩn cấp trên tuyến chính, khi đến cầu Long Thành không có làn dừng khẩn cấp để tiếp tục di chuyển nên đánh lái, lấn đường của các phương tiện đang đi đúng tuyến, dẫn tới sự cố ùn tắc xảy ra ở đường dẫn lên cầu. Việc này đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) báo Cục Cảnh sát giao thông C67, chuyển hình ảnh và thông tin để cơ quan chức năng xử lý.

Tại nút giao Quốc lộ 51, có 4 nhánh A, B, C, D (tương ứng có 4 phân trạm thu phí với 19 làn thu phí). Tuy nhiên, ở nhánh D (nhánh từ cao tốc ra Quốc lộ 51, bố trí 7 làn thu phí), mật độ phương tiện thường tập trung đông đúc trong khoảng thời gian 6h-11h ngày thứ Sáu và ngày thứ Bảy. Trên Quốc lộ 51 (hướng Quốc lộ 51 đi Vũng Tàu) có ngày do thời lượng đèn tín hiệu tại ngã ba Nhơn Trạch không hợp lý và khoảng cách với nhánh ra của đường cao tốc gần dẫn đến ùn tắc kéo dài đến đầu nhánh ra (nhánh D) của đường cao tốc khiến các phương tiện từ cao tốc đi ra Quốc lộ 51 “dậm chân” ngay tại nút giao Quốc lộ 51.

Còn tại nhánh A (nhánh từ Quốc lộ 51 vào đường cao tốc đi TP. Hồ Chí Minh, bố trí 4 làn thu phí), do giao xung đột giữa luồng phương tiện từ Vũng Tàu rẽ trái vào cao tốc và luồng phương tiện từ Biên Hòa đi Vũng Tàu tại vòng xoay Quốc lộ 51 dẫn đến các phương tiện ùn tắc kéo dài (nút giao này hiện nay không bố trí chốt đèn tín hiệu giao thông). Chưa kể, khoảng cách giữa vị trí xung đột vòng xoay này và vị trí đèn tín hiệu (được bố trí cách vòng xoay QL51 về phía Vũng Tàu 1,7km tại ngã ba Nhơn Trạch) quá gần cũng là yếu tố cộng thêm vào gây nên tình trạng ùn tắc kéo dài trên Quốc lộ 51. Còn tại nhánh vào đường cao tốc (nhánh A) phương tiện lưu thông bình thường, không bị ùn ứ.

Trước tình hình trên, Ban ATGT tỉnh Đồng Nai đã tổ chức kiểm tra tình hình trật tự ATGT phạm vi đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Sau thị sát, Ban ATGT tỉnh Đồng Nai đã kết luận: Ùn tắc giao thông không xảy ra tại trạm thu phí của đường cao tốc mà tại các vị trí và nguyên nhân như nêu ở trên.

Một nguyên nhân khách quan khác cũng cần đề cập đến là sự gia tăng quá nhanh của lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã vượt xa so với lưu lượng thiết kế. Cụ thể, đoạn từ Trạm thu phí Long Phước đến nút giao Quốc lộ 51, lưu lượng lớn nhất ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt mức 74.800 phương tiện quy đổi/ngày đêm, cao hơn nhiều so với lưu lượng thiết kế là 58.490 phương tiện quy đổi/ngày đêm. Thêm nữa, do đặc thù tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây là tuyến đường du lịch, kết nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ với các thành phố du lịch như Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt… nên lưu lượng phương tiện trong dịp hè cũng tăng thêm 20-25% so với ngày bình thường. Rồi thì, trong thời gian đầu, các khách hàng chưa quen cách thức thu phí mới (chưa có thói quen đưa thẻ tại điểm ra, đến khi nhân viên nhắc mới nhớ hoặc làm thất lạc thẻ, mất thời gian tìm thẻ) cũng là một phần nguyên nhân gây nên tình trạng kẹt xe tại nút giao Quốc lộ 51.

Tìm cách tháo gỡ

Với trách nhiệm là Chủ đầu tư, quản lý khai thác tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, hướng tới xây dựng các tuyến cao tốc “An toàn  - Hiệu quả - Thân thiện – Xanh – Sạch – Đẹp”. Nhằm bảo đảm an toàn và tạo thuận tiện cho người và phương tiện tham gia giao thông, hạn chế xung đột giao thông và giảm thiểu tình trạng ùn tắc kéo dài trên tuyến Quốc lộ 51, VEC đã chủ động nghiên cứu và hoàn thành Phương án chống ùn tắc giao thông tại khu vực Trạm thu phí Long Phước và nhánh D - Trạm thu phí Quốc lộ 51; đồng thời, đang xem xét kế hoạch đầu tư mở rộng đoạn đầu đường dẫn nhánh A – Quốc lộ 51 lên cao tốc để trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Tiếp tục phối hợp tư vấn, nhà thầu, ngân hàng… hoàn thiện quy trình, thủ tục để nhanh chóng đưa vào khai thác hệ thống thu phí tự động (ETC) thông qua thiết bị OBU gắn trên phương tiện của khách hàng nhằm giải quyết triệt để “bài toán” ùn tắc gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Trước mắt, để giảm thiểu việc ùn ứ phương tiện theo hướng từ cao tốc ra Quốc lộ 51 (nhánh D), từ ngày 18/6 vừa qua đơn vị vận hành khai thác tuyến đã điều tiết xe đi thẳng và quay xuống QL51 tại nhánh lên C (nhánh từ Quốc lộ 51 vào cao tốc đi Dầu Giây) hoặc nhánh xuống B (từ Dầu Giây ra Quốc lộ 51) tùy tình huống cụ thể tại hiện trường.

Riêng trên Quốc lộ 51, đoạn từ ngã ba Nhơn Trạch đến nhánh A vào cao tốc liên tục bị ùn tắc phương tiện vào chiều Chủ nhật, thực trạng này đã được cơ quan quản lý địa phương và các bên liên quan khẳng định không phải tại trạm thu phí, mà do hình thái nút giao Quốc lộ 51 không còn phù hợp với lưu lượng phương tiện hiện nay. Một phương án đã được đề xuất là bàn giao nút giao Quốc lộ 51 cho địa phương để địa phương cải tạo, thay đổi phù hợp tình hình thực tế nhằm giảm thiểu ùn tắc trên Quốc lộ 51.

Ngoài ra, để giải quyết ùn tắc ở nút giao An Phú, quận 2, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận quy mô đầu tư nút giao An Phú, trong đó sẽ xây dựng trước hạng mục hầm chui. Trong đó, hầm chui đi 2 chiều kết nối từ đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng đi về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại. Còn hạng mục cầu vượt đi 2 chiều sẽ bắc qua đường Mai Chí Thọ để kết nối giữa đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với đường Lương Định Của.

Với hàng loạt các giải pháp được đề xuất, triển khai, hy vọng thời gian tới nút giao Quốc lộ 51 không còn là “điểm đen” ùn tắc giao thông, còn cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây cũng đỡ “mang tiếng” là  “Cao tốc thành điểm đen… ùn tắc”.

Năm 2015, lưu lượng tiện tiện trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây  tăng 114,33% so với năm 2014 (thời điểm mới đưa 20km đoạn đầu tuyến vào khai thác); năm 2016, con số này vượt 35,36% so với năm trước đó; lưu lượng trung bình hiện đạt 37.000 - 40.000 phương tiện/ngày đêm.

 

Theo VEC

Các bài viết khác

video

:: Các CTY thành viên VEC